“5 sao” cũng dính lỗi

Đã đến lúc cần gióng lên tín hiệu cảnh báo liên quan đến việc chấp hành các quy định về hàng không dân dụng Việt Nam của các hãng hàng không nước ngoài nếu chiểu theo 5 bản kết luận thanh tra vừa được Cục Hàng không Việt Nam công bố vào cuối tháng 1/2019.

Trước đó, vào ngày 25/10/2018, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam đã ký Quyết định số 1917/QĐ - CHK thanh tra việc chấp hành các quy định về hàng không dân dụng Việt Nam đối với Air France, All Nippon Airways, Asiana, China Airlines và Emirates.

Đây đều là những hãng hàng không được Skytrax - tổ chức bình chọn xếp hạng các dịch vụ hàng không đánh giá đạt tiêu chuẩn 4 - 5 sao, đồng thời đang khai thác các đường bay quốc tế quan trọng đi/đến Việt Nam.

Đây cũng là lý do khiến đợt thanh tra này được đánh giá là góp phần đưa ra cái nhìn khá chân thực về hoạt động của các hãng hàng không nước ngoài tại Việt Nam.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, tính đến hết ngày 31/12/2018, thị trường hàng không Việt Nam có sự tham gia khai thác của 68 hãng hàng không nước ngoài từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ và 4 hãng trong nước là Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific Airlines và VASCO (Chi nhánh Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines), khai thác gần 130 đường bay quốc tế giữa Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Hải Phòng và 28 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của các hãng hàng không nước ngoài trong việc kết nối Việt Nam với thế giới.

Đến cuối năm ngoái, 68 hãng hàng không nước ngoài đang nắm tới 57% thị phần vận chuyển hành khách quốc tế (toàn thị trường là 36,7 triệu lượt khách quốc tế) và 86,6% thị phần vận chuyển hàng hóa (toàn thị trường là 964.800 tấn).

Mặc dù được nhà chức trách hàng không Việt Nam đánh là cơ bản tuân thủ theo quy định của pháp luật Việt Nam, nhưng cả 5 hãng hàng không nước vừa được thanh tra đều đã xảy ra khá nhiều vi phạm, tồn tại đặc biệt là việc thực hiện trách nhiệm của người vận chuyển đối với hành khách trong trường hợp chậm chuyến, hủy chuyến.

Theo các kết luận thanh tra số 496, 497, 498, 499, 500 của Cục Hàng không Việt Nam, điều lệ vận chuyển của các hãng hàng không Asiana Airlines, Air France, China Airlines, All Nippon Airways và Emirates đều chưa quy định quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển trong trường hợp chuyến bay khởi hành sớm theo quy định tại Điều 6, Thông tư số 81/2014/TT - BGTVT quy định về vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung cũng như chưa có tại các quy định khác của hãng.

Cụ thể, Điều 6, Thông tư số 81 quy định hãng hàng không có trách nhiệm xây dựng, đăng ký và ban hành Điều lệ vận chuyển của hãng phù hợp với các quy định của pháp luật.

Điều lệ vận chuyển này phải bao gồm các nội dung sau: quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển; quyền và nghĩa vụ của khách hàng; vé; giá dịch vụ vận chuyển và điều kiện áp dụng; đặt giữ chỗ; lịch bay; quyền và nghĩa vụ của người vận chuyển trong trường hợp gián đoạn, chậm chuyến, khởi hành sớm, hủy chuyến bay, từ chối và hạn chế chuyên chở; nghĩa vụ hoàn trả tiền; trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho hành khách; vận chuyển hành khách đặc biệt.

Đặc biệt, trong Điều lệ vận chuyển của Asiana Airlines, Emirates còn chưa quy định về chính sách bồi thường, mức bồi thường ứng trước không hoàn lại theo quy định tại khoản 2, Điều 4 Thông tư số 14/2015/TT - BGTVT quy định về việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trong vận chuyển hành khách bằng đường hàng không.

Cũng do không có chính sách về bồi thường, mức bồi thường nên một số hãng hàng không vừa bị thanh tra như Emirates, Asiana Airlines được đoàn Thanh tra của Cục Hàng không Việt Nam phát hiện là chưa công bố công khai việc bồi thường ứng trước không hoàn lại trên trang thông tin điện tử và văn phòng bán vé theo quy định tại khoản 3, Điều 4, Thông tư số 14/2015/TT - BGTVT.

Theo đó, để đảm bảo quyền lợi của hành khách, pháp luật về hàng không dân dụng của Việt Nam quy định, các hãng phải tiến hành công bố công khai trên Trang thông tin điện tử của người vận chuyển, tại cảng hàng không, văn phòng đại diện, văn phòng bán vé và hệ thống đại lý bán vé của người vận chuyển về các trường hợp được bồi thường ứng trước không hoàn lại, mức bồi thường, chi tiết phương thức và thời hạn bồi thường, địa chỉ cụ thể thực hiện việc bồi thường.

Chậm, hủy chuyến nhiều

Trong số 5 hãng hàng không bị thanh tra đợt này, Air France là hãng hàng không đúng giờ và ít chuyến bay bị hủy nhất. Mặc dù có tần suất bay khá lớn (11 chuyến/tuần), nhưng từ ngày 1/1/2017 đến 27/6/2018, Air France chỉ có 3 chuyến chậm dưới 2 giờ, 5 chuyến từ 2 - 3 giờ, 4 chuyến từ 5 giờ trở lại và 5 chuyến bị hủy, các hãng còn lại có số lượng chuyến bay bị chậm, hủy tương đối lớn.

Theo ghi nhận của Cục Hàng không Việt Nam, trong thời gian từ 1/1/2017 đến nay, tại TP.HCM, All Nippon Airways có 126 chuyến chậm dưới 2 giờ, 5 chuyến chậm từ 2 giờ, 2 chuyến chậm từ 4 giờ (chiếm tỷ lệ khoảng 10%).

Đối với Emirates - hãng hàng không của Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất có 33 chuyến chậm dưới 2 giờ, 1 chuyến bị hủy tại TP.HCM và 19 chuyến chậm dưới 2 giờ, 4 chuyến chậm từ  3 - 4 giờ.

Cùng thời gian trên, tại TP.HCM, Asiana Airlines có 43 chuyến chậm dưới 2 giờ, 7 chuyến chậm từ 2 giờ, 5 chuyến chậm từ 3 giờ, 3 chuyến chậm từ 5 giờ, 2 chuyến bị hủy. Tại Hà Nội, Asiana Airlines có tới 124 chuyến chậm dưới 2 giờ, 11 chuyến chậm từ 2 - 5 giờ, 3 chuyến chậm từ 5 giờ. Tại Đà Nẵng, Asiana Airlines có 63 chuyến chậm dưới 2 giờ, 36 chuyến chậm từ 2 - 3 giờ, 1 chuyến chậm từ 5 giờ.

Hiện chưa rõ nguyên nhân trễ, hủy chuyến bay khá cao này do công tác cung cấp thông tin về tình trạng, nguyên nhân của các chuyến bay chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không như Emirates (tại TP.HCM), Asiana Airlines, China Airlines, All Nippon Airways đến các nhà chức trách được thanh tra Cục Hàng không Việt Nam xác định là không thực hiện theo đúng quy định.

Một số hãng như All Nippon Airways thậm chí còn chưa triển khai báo cáo cho Cảng vụ hàng không việc bồi thường ứng trước không hoàn lại đối với các chuyến bay có hành khách bị từ chối vận chuyển hoặc bị hủy chuyến hoặc bị chậm kéo dài theo quy định tại khoản 5, Điều 4, Thông tư số 14.

Đặc biệt, báo cáo hoạt động năm 2017 của Văn phòng bán vé Emirates được đánh giá chưa đúng thời hạn quy định và không có báo cáo đột xuất về Cục Hàng không Việt Nam khi thay đổi nhân sự là người nước ngoài theo quy định tại Điều 12, Thông tư số 81/2014/TT - BGTVT ngày 30/12/2014 của Bộ GTVT quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung. Với lỗi vi phạm này, Chánh thanh tra Cục Hàng không Việt Nam đã tiến hành lập biên bản và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 15 triệu đồng đối với EK.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, việc 5 hãng hàng không chưa triển khai thực hiện theo một số quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam có một phần do nguyên nhân là sự khác biệt giữa pháp luật của quốc gia mà hãng hàng không mang quốc tịch với Việt Nam.

“Các hãng phải khắc phục tồn tại và báo cáo về Thanh tra Cục Hàng không Việt Nam trước ngày 15/3/2019”, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu.

Mức bồi thường cho mỗi hành khách đối với chuyến bay quốc tế

Theo khoản 2, Điều 8, Thông tư số 14/2015/TT- BTVT ngày 27/4/2015 của Bộ GTVT, mức bồi thường cho mỗi hành khách đối với chuyến bay quốc tế được quy định như sau:

a) Chuyến bay có độ dài đường bay dưới 1.000 km: 25 USD;

b) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 1.000 km đến dưới 2.500 km: 50 USD;

c) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 2.500 km đến dưới 5.000 km: 80 USD;

d) Chuyến bay có độ dài đường bay từ 5.000 km trở lên: 150 USD.

Người vận chuyển có thể quy định mức bồi thường ứng trước không hoàn lại nhưng không được thấp hơn mức quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều này.

Asiana Airlines (Hàn Quốc) là hãng hàng không 5 sao, đứng thứ 24 trong số các hãng hàng không tốt nhất thế giới năm 2018 theo đánh giá của Skytrax. Asiana Airlines mở văn phòng đại diện tại Việt Nam từ đầu năm 2014. Trong năm 2018, hãng này vận chuyển được 147.652 lượt hành khách và 4.613.263 kg hàng hóa.

AirFrance (Cộng hòa Pháp) là hãng hàng không 4 sao theo tiêu chuẩn của Skytrax. Đây là hãng hàng không quốc tế đầu tiên mở đường bay đến Việt Nam (1930). Tại thị trường Việt Nam, Air France đang khai thác 11 chuyến bay/tuần.

All Nippon Airways (Nhật Bản) là hãng hàng không 5 sao theo tiêu chuẩn của Skytrax, bắt đầu khai thác thị trường Việt Nam từ năm 2001. All Nippon Airways đang khai thác 2 chuyến/ngày tại Tp.HCM và 1 chuyến/ngày tại Hà Nội. Tính từ 1/1/2018 đến tháng 10/2018, tại TP.HCM, All Nippon Airways vận chuyển được 224.366 hành khách và 7.882.104 kg hàng hóa; tại Hà Nội là 114.708 hành khách và 8.116.510 kg hàng hóa.

Emirates (Các tiểu vương quốc A rập thống nhất) là hãng hàng không 4 sao theo chuẩn của Skytrax. Emirates bắt đầu khai thác thị trường Việt Nam từ năm 2012, hiện đang khai thác 1 chuyến/ngày tại TP.HCM và 1 chuyến/ngày tại Hà Nội. Năm 2018, tại Emirates vận chuyển được 107.857 lượt hành khách và 10.911.392 kg hàng hóa; tại Hà Nội là 85.323 lượt hành khách và 16.313.338 kg hàng hóa.

China Airlines (Đài Loan) là hãng hàng không 4 sao theo tiêu chuẩn của Skytrax, hoạt động tại Việt Nam từ năm 1992. China Airlines đang khai thác 2 chuyến/ngày với hành trình TP.HCM/Hà Nội - Đài Loan; 4 chuyến bay hàng hóa/tuần từ TP.HCM và 5 chuyến hàng hóa/tuần từ Hà Nội.

Theo Anh Minh
baodautu.vn

 

Vé Máy Bay Rẻ Nhất

 

 

Vé máy bay Giang Phú Đại lý vé máy bay giá rẻ 

 Địa chỉ: 621 Tô Ký, P. Trung Mỹ Tây, Quận 12

Hotline: 0903 044 116 - 0903 044 118

Tags:

đại lý vé máy bay giá rẻ, vé máy bay rẻ nhất, vé máy bay đường tô ký, vé máy bay tân chánh hiệp, vé máy bay phường trung mỹ tây, vé máy bay huyện hóc môn, vé máy bay quận 12

dai ly ve may bay gia re, ve may bay re nhat, ve may bay duong to ky, ve may bay tan chanh hiep, ve may bay phuong trung  my tay, ve may bay huyen hoc mon, ve may bay quan 12