Vì an toàn của mình và mọi người, ĐỪNG sử dụng điện thoại trên máy bay


  • Câu hỏi đầu tiên là: Trong suốt chuyến bay vài tiếng đồng hồ, bạn có tắt điện thoại di động của mình không?

Tôi biết là rất nhiều hành khách không hề tắt ĐTDĐ (một cách cố ý), và việc lúc nào cũng hạ cánh an toàn sẽ khiến bạn thêm suy luận rằng lời khuyên "tắt các thiết bị điện tử" của các cô tiếp viên hàng (có khi không xinh đẹp) là hoàn toàn không cần thiết! Nhưng theo Jay Apt, một giáo sư về Kỹ thuật và Chính sách cộng đồng tại đại học Ca egie Mellon (Mỹ) thì việc suy nghĩ như vậy sẽ vô cùng nguy hiểm. 

Vào năm 2003, Ông Apt và các cộng sự của mình từng nghiên cứu kỹ lưỡng về tần số của sóng radio (radio freqency - RF), kết quả họ nhận thấy mức tín hiệu phát ra từ các thiết bị di động là rất lớn, nhưng họ kết luận mức tín hiệu này chưa đủ để gây ảnh hưởng (xấu) đến các thiết bị liên lạc của máy bay.

Có thể không có mối quan hệ trực tiếp nào giữa chúng. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng tần suất trục trặc của máy bay ngày nay đã khá cao. "Vẫn chưa có ghi nhận việc một chiếc máy bay rơi do điện thoại di động", ông nói, "Tỷ lệ máy bay rơi do điện thoại di động (gây nhiễu thiết bị liên lạc) là rất thấp, nhưng có rất nhiều chuyến bay mỗi ngày, và nếu chỉ cần một chiếc máy bay chở 150 sinh mạng bị rơi mỗi 10 năm, tỷ lệ này sẽ là rất cao!". Thật vậy, chưa có chứ không ai dám đảm bảo là không có.


  • Vậy tại sao họ (ngành Hàng không) lại đặt ra những quy định như vậy?

Yêu cầu tắt ĐTDĐ khi bay nhằm giữ an toàn tuyệt đối cho chuyến bay. "Mối hiểm hoạ này" - là kết quả của nguyên tắc hoạt động cơ bản của điện thoại di động - mỗi chiếc hoạt động giống như một cái radio cực mạnh. Apt nói rằng một khi bạn bật nguồn điện thoại lên, nó sẽ phát ra một mức độ sóng cực mạnh để dò tìm trạm thu phát sóng (BTS) gần đó. Có thể hiểu đơn giản, ĐTDĐ sẽ “hét” lên: "Có nghe tôi rõ không?" Và nếu kết nối được, trạm phát sóng sẽ trả lời "Ok, nghe rõ!", như vậy chúng đã kết nối với nhau.

Một khi kết nối được thiết lập, điện thoại sẽ giảm bớt độ mạnh của sóng. Nhưng khi kết nối yếu đi, điện thoại sẽ phát sóng mạnh hơn để bắt được tín hiệu tốt hơn. Quá trình này được lặp đi lặp lại liên tục, và mặc dù chúng ta chỉ để không điện thoại, không gọi hay nhắn tin gì cả, việc này vẫn liên tục diễn ra giữa nó và trạm thu phát sóng. 


Một cột thu phát sóng (BTS)

Điều này không có gì đáng quan tâm nếu ta đang ở trên mặt đất, nhưng nếu tại độ cao 10.000 mét so với mực nước biển hoặc cao hơn thì sao? Sẽ không có trạm thu phát sóng nào cả. Đáng tiếc là chiếc điện thoại của chúng ta không biết điều này và vẫn liên tục phát tín hiệu dò tìm trạm thu phát sóng. Hiểm hoạ chính là ở việc sóng dò tìm khá mạnh mẽ này từ điện thoại của các hành khách. Nếu nhiều chiếc cùng ở tình trạng đó thì sao? Nó hoàn toàn có thể gây nhiễu tín hiệu GPS từ vệ tinh, có thể gây nhiễu tín hiệu liên lạc giữa máy bay với trung tâm quản lý bay mặt đất, và nhiễu các thiết bị định vị (navigation) trên máy bay. Hậu quả sau đó thì không ai lường trước được.

* Hiểm họa là từ ngữ dùng chỉ một (hoặc nhiều) sự việc nguy hiểm có thể xảy ra có thể lường trước và đề phòng được. Vì vậy, hãy đề phòng trước chứ đừng để nó xảy ra rồi phải lo khắc phục hậu quả.


  • Vậy còn các dịch vụ không dây có trên máy bay thì sao?

Chắc hẳn các bạn đã đọc đâu đó hãng Hàng không ABC này cung cấp iPad, hãng Hàng không XYZ kia cung cấp sóng wifi trong suốt chuyến bay, trong khi hiểm hoạ từ sóng radio như đề cập ở trên là rất đáng sợ?

Đó là bởi vì các sóng radio được cung cấp này phát ra từ một bộ phát sóng có cự ly rất gần. Và do khoảng cách gần này (chỉ vài met đến vài chục met) nên các thiết bị không dây không cần phải phát đi tín hiệu radio dò tìm với cường độ mạnh. Thậm chí ở một số nơi, các phi công được phép sử dụng iPad thay cho các tài liệu giấy truyền thống, tất nhiên khi đã tắt hết các tín hiệu không dây (3G, wifi, bluetooth).

Lưu ý, các tiếp viên sẽ luôn nhắc nhở rằng bạn chỉ được sử dụng các dịch vụ không dây này khi máy bay đã đi vào trạng thái bay ổn định ở tầm bay của mình. Khi cất cánh và hạ cánh, bạn sẽ không được sử dụng các dịch vụ này nữa, vì đây là các thời điểm rất quan trọng ảnh hưởng đến an toàn bay. Hầu hết các tai nạn đều xảy ra vào thời điểm này. Đó là lý do tại sao các cô tiếp viên hàng không luôn liên tục nhắc nhở bạn tắt các thiết bị điện tử mỗi khi sắp cất cánh và hạ cánh. “Không chỉ ĐTDĐ, máy nghe nhạc và máy chơi game cầm tay đều phát ra sóng radio gây nhiễu”, Jay Apt nói.


  • Như vậy cách nào để hạn chế hiểm hoạ này?


Ngắt các loại kết nối, chuyển về Flight Mode hoặc tắt nguồn điện thoại là điều cần thiết
 
Jerrold Sandors, quản lý Đội kỹ sư về Nghiên cứu Quang phổ tại Cục Quản lý bay Liên bang, Mỹ (FAA) nói rằng máy bay luôn phải bay qua một biển những sóng radio dày đặc. Nếu có sóng radio hiện diện khi máy bay ở gần các nhà cao tầng hoặc ănten trên mặt đất, thật khó dám tưởng tượng được điều gì có thể xảy ra khi các thiết bị liên lạc và định vị bị nhiễu.

Tuy nhiên Jay Apt nói rằng tất cả các chuyến bay đều đã được kiểm tra chặt chẽ về mức chịu ảnh hưởng của sóng radio. Thông thường người ta sẽ thử nghiệm trên các máy bay không có hành khách, và trong suốt chuyến bay thử nghiệm đó, nếu có bất cứ yếu tố gây nhiễu nào đến các thiết bị điện tử trên máy bay được ghi nhận, chiếc tàu bay đó sẽ được kiểm tra và xử lý kỹ lưỡng trước khi đưa vào khai thác. 

Một phương pháp để hạn chế tối đa việc gây nhiễu của sóng radio là sử dụng các loại vật liệu chống từ tính trên các máy bay. Gregory Huff, một kỹ sư điện tử tại Đại học Texas A&M, nói rằng các máy bay thế hệ mới sản xuất trong khoảng 5 năm gần đây đã được trang bị kính buồng lái bằng các vật liệu chống sóng radio tốt hơn nhiều so với các thế hệ trước. Tuy nhiên rất khó để trang bị/nâng cấp các vật liệu này cho các máy bay thế hệ cũ của 20 năm về trước. “Không thể chỉ đơn giản là che kín buồng lái bằng các vật liệu này và nó sẽ chắn mọi nhiễu loạn do sóng radio được, vì chỉ cần một vết nứt rất nhỏ thôi là sóng sẽ đi xuyên qua ngay”.

Huff nói rằng công nghệ sẽ còn tiến rất xa hơn nữa trong tương lai để giúp bảo đảm an toàn bay. Và mặc dù sẽ không có chuyện thực hiện được cuộc gọi bằng ĐTDĐ trên máy bay, nhưng chúng ta hy vọng người ta sẽ tạo được một thế hệ smartphone mới thông minh hơn, biết nhận ra chủ của nó đang trên máy bay để tự động ngắt mọi kết nối hoặc có thể tự chuyển qua chế độ máy bay (Flight mode) hoặc ngủ đông (Hibe ate) để đảm bảo an toàn bay. Nhưng trước khi việc này xảy ra, hãy chủ động tắt điện thoại và các thiết bị điện tử khi đi máy bay, vì an toàn của chính bản thân chúng ta và những người xung quanh.

Nguồn Popularmechanics