Đăng ký vé máy bay online

 Khứ hồi  Một chiều 
Điểm khởi hành    Ngày đi   
Điểm Đến   Ngày về   
Người lớn Trẻ em (2->11 tuổi)    (Em bé có ghế)
Nghề bay của nhan sắc
Đằng sau vẻ nhàn nhã, hào nhoáng của nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp là áp lực công việc cùng những thử thách khắc nghiệt với sức khỏe, thậm chí tính mạng. Có người, mỗi khi bay lại nghĩ đến những tình huống xấu nhất.

5h30, Xuân nhẹ nhàng kéo vali rời khỏi nhà chuẩn bị cho một chuyến bay. Đến trụ sở Đoàn tiếp viên Vietnam Airlines (VNA) trên đường Hồng Hà (quận Tân Bình - TP HCM) cô nhận danh sách tổ tiếp viên hàng không phục vụ chuyến bay hành trình TP HCM - Hà Nội và ngược lại. Tổ bay có 6 tiếp viên, gồm 3 nam, 3 nữ, do Xuân làm tiếp viên trưởng.

Chỉ khi nhận danh sách, các tiếp viên hàng không mới biết hôm đó mình làm việc cùng ai vì lịch bay được phân bổ bằng phần mềm chuyên dụng. Trước giờ ra sân bay, các tiếp viên phải điểm danh bằng vân tay để xác nhận giờ có mặt làm nhiệm vụ và tiến hành họp tổ.

"Tiếp viên trưởng phân công nhiệm vụ cho từng vị trí, ôn lại quy trình và nêu các tình huống có thể gặp trên chuyến bay để từng người trả lời xem có 'thuộc bài' chưa", Xuân cho biết.

Tiếp viên của hãng VNA phục vụ hành khách trên một chuyến bay.
Tiếp viên của hãng VNA phục vụ hành khách trên một chuyến bay.

Lên máy bay, hành khách có thể ngủ, đọc sách báo, chơi game… Trong khi đó, các tiếp viên phải thoăn thoắt phục vụ đồ ăn, nước uống, kiểm tra buồng vệ sinh nhiều lần, quan sát khu vực được phân công để chăm sóc và bảo đảm an toàn cho từng “thượng đế”.

Khi máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài - Hà Nội, nhân viên vệ sinh đã lên dọn dẹp nhưng tổ tiếp viên vẫn không được rời đi đâu. Họ tranh thủ tiếp nhận suất ăn, báo chí và kiểm tra các thiết bị an ninh, an toàn. Khi tất cả đã sẵn sàng, Thanh Xuân ra hiệu với mặt đất đón khách chuyến bay ngược về TP HCM lúc 11h.

Ở chuyến này, các tiếp viên phải làm việc gấp đôi vì thêm phần phục vụ bữa ăn nóng, trà và cà phê cho hành khách. Cả chuyến đi và về hôm đó đều suôn sẻ. Trả khách xong, tổ tiếp viên được về nhà sau 14h. Xuân cho hay, mùa cao điểm, các tổ phải bay 4 chuyến mỗi ngày, tương ứng 8 lần cất, hạ cánh.

Đối với hãng hàng không giá rẻ, tiếp viên hàng không còn phải đảm nhận cả việc dọn vệ sinh máy bay và bán hàng để tăng doanh thu cho hãng và tăng thu nhập cho mình. Hàng hóa bán trên máy bay là đồ ăn, nước uống, đồ lưu niệm, đặc sản các địa phương. Họ phải học cách tiếp thị hấp dẫn để bán hàng và được hưởng thù lao tính trên tổng doanh số.

“Đây là cách để tăng doanh thu cho hãng và là động lực khuyến khích tiếp viên làm việc hiệu quả hơn", Tuyết Lan, nhóm trưởng Đoàn tiếp viên Jetstar Pacific Airlines cho biết.

Với thành phần hành khách chủ yếu là người có thu nhập trung bình, tiếp viên của các hãng giá rẻ cũng phải làm việc căng thẳng hơn. Nhiều khách mới lần đầu đi máy bay nên chưa hiểu hết các quy định an ninh, an toàn bay.

Đa số tiếp viên của các hãng hàng không là những bóng hồng.
Đa số tiếp viên của các hãng hàng không là những bóng hồng.

Nghề tiếp viên có sức hút kỳ lạ với nhiều bạn trẻ bởi thu nhập cao, được làm việc trên máy bay, đi lại như con thoi giữa các phi trường, đến nhiều nơi trên thế giới... Song, theo các tiếp viên hàng không, đằng sau vẻ nhàn nhã, hào nhoáng ấy là những thử thách khắc nghiệt đối với sức khỏe, thậm chí cả tính mạng.

Tiếp viên phó Việt Anh, 30 tuổi, có chồng là phi công lái máy bay Airbus 320 của VNA. Khi mới quen, đôi bạn thường đề xuất nguyện vọng được sắp xếp bay cùng để vun đắp tình yêu. Tuy nhiên, khi đã “góp gạo thổi cơm chung”, Việt Anh và chồng lại không được bay cùng nhau nữa, lý do là nếu người này đi làm thì người kia chăm con và quan trọng là tránh rủi ro.

"Mỗi chuyến bay chỉ được phép cất cánh khi được xác nhận là đã tuân thủ đúng tiêu chuẩn an toàn nhưng không ai biết sẽ có những nguy cơ gì xảy ra. Có những người mới vào nghề, mỗi khi bay lại không khỏi nghĩ đến những tình huống xấu nhất”, một tiếp viên VNA cho biết.

Làm việc trong điều kiện nhiệt độ, áp suất luôn thay đổi, ăn uống không đúng giờ, tiếp viên hàng không thường mắc một số bệnh nghề nghiệp như viêm xoang, đau đầu, đau dạ dày. Tuy nhiên, đáng sợ nhất là chứng mất ngủ. Theo một tiếp viên của VNA, mỗi khi đóng cửa máy bay, cô chỉ muốn được đánh một giấc nhưng vẫn phải tươi cười làm việc.

"Khi về nhà thì mắt đỏ quạch, còn đầu óc lại ong ong. Không thể ngủ được, em phải ôm gối đi loanh quanh trong phòng. Đến lúc mọi người làm việc thì mình lại cố dỗ giấc ngủ. Nhiều người đã phải bỏ nghề vì các bệnh này", nữ tiếp viên tâm sự.

Tiếp viên hàng không được hưởng phụ cấp độc hại do phải làm việc trong khoang máy bay thiếu dưỡng khí, liên tục thay đổi áp suất. Ở trạng thái bay bằng (bay ổn định), máy bay có thể ở vị trí cách mặt đất tới 12 km, đạt vận tốc 850 km/h với nhiệt độ ngoài trời - 46 độ C. Để có thể trụ được với nghề, mỗi tiếp viên phải trải qua một quá trình đào tạo chặt chẽ, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Tổ chức Hàng không Quốc tế ICAO và nhà chức trách hàng không Việt Nam.

Đoàn tiếp viên của VNA hiện có 2.216 người, trong đó đến 70% là nữ. Jetstar Pacific Airlines có 85 nữ trong tổng số 109 người của đoàn tiếp viên. Đoàn tiếp viên của VietJet Air có 140 người và cũng đến 70% là nữ.

Mỗi chuyến bay thường có 4 vị tiếp viên, gồm tiếp viên trưởng, tiếp viên phó, tiếp viên phục vụ hạng thương gia và tiếp viên phục vụ hạng phổ thông. Thu nhập của tiếp viên phụ thuộc vào chức danh và giờ bay. Tính theo mức 85 giờ bay/tháng, thu nhập bình quân của tiếp viên trưởng hiện nay là 35 triệu đồng, tiếp viên phó 28 triệu, tiếp viên hạng thương gia 24 triệu và hạng phổ thông 18-20 triệu.

Theo Người lao động

Quảng cáo